Chỉ số P/B là một thuật ngữ tương đối quen thuộc với các nhà đầu tư chứng khoán. Khi xác định được chỉ số P/B của doanh nghiệp, họ sẽ biết rằng cổ phiếu này có định giá chuẩn hay không, có mua được cổ phiếu với mức giá tốt hay không,… Nếu bạn đang quan tâm đến chỉ số P/B, cách tính chỉ số này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của chúng tôi nhé!
Chỉ số P/B là gì?
Chỉ số P/B (Price to Book Value Ratio) hay còn được biết đến với tên gọi khác là hệ số P/B hay tỷ số P/B. Người ta thường sẽ sử dụng chỉ số này để so sánh giá trị thực tế của cổ phiếu với giá trị ghi sổ. Nói cách khác, chỉ số P/B thể hiện tỷ số giữa giá cổ phiếu doanh nghiệp gấp bao nhiêu so với tài sản ròng.
Chỉ số này được coi là một công cụ hữu dụng có thể giúp nhà đầu tư phán đoán cổ phiếu xem nó đang ở trong tình trạng định giá như thế nào, cao hơn hay thấp hơn so với giá trị thực.
Từ đó, họ sẽ cân nhắc thời điểm quyết định mua – bán cổ phiếu một cách hợp lý. Hệ số P/B phụ thuộc vào những yếu tố khác nhau như lợi nhuận ròng, doanh thu, tốc độ tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh cũng như một số điều kiện kinh tế vĩ mô khác như GDP, GNP, lãi suất, lạm phát,…
Ví dụ: CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã cổ phiếu: PNJ) hiện có P/B bằng 2,26 cập nhật mới nhất vào ngày 6/11/2023. Điều đó nghĩa là nhà đầu tư chấp nhận trả gấp 2,66 lần giá trị ghi sổ để sở hữu cổ phiếu PNJ.
Ưu và nhược điểm của chỉ số P/B là gì?
P/B được nhiều nhà đầu tư đánh giá tốt trong quá trình phân tích cổ phiếu bởi mức độ đáng tin cao. Tuy nhiên, bạn cũng nên tìm hiểu ưu, nhược điểm của chỉ số P/B để có những nhận định chính xác hơn. Cụ thể như sau:
Ưu điểm
- Tỷ số P/B có độ ổn định cao trong cùng một điều kiện biến động so với những tỷ lệ khác nên khả năng quan sát khá chính xác.
- Tỷ số P/B được thể hiện tính hiệu quả cao nhất khi nhà đầu tư sử dụng để phân tích, đánh giá các doanh nghiệp có khối tài sản lớn với thanh khoản cao như bất động sản, ngân hàng, bán lẻ, bảo hiểm,…
- Tỷ số P/B luôn là con số dương nên có thể dùng trong định giá đối với các doanh nghiệp đang thua lỗ.
Nhược điểm
- P/B là tỷ số được tính dựa trên các tài sản hữu hình của doanh nghiệp, những loại tài sản khác như thương hiệu, bằng sáng chế, tài sản trí tuệ,… thường không được ghi nhận. Điều này cũng ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển bằng những loại tài sản nêu trên.
- Trong một số trường hợp, giá trị ghi sổ của cổ phiếu nhất định có thể không phản ánh đúng giá trị hiện tại của cổ phiếu đó. Do vậy, nhà đầu tư khi tính tỷ số P/B cần phải cập nhật những thông tin mới nhất để kết hợp với nhau, từ đó đưa ra kết luận cho việc mua – bán cổ phiếu.
- Tỷ số P/B có thể là “ảo” do các nguyên tắc kế toán của doanh nghiệp có sản phẩm, tài sản ảo.
Công thức tính chỉ số P/B
Chỉ số P/B = Giá thị trường của cổ phiếu (Price) / Giá trị ghi sổ của cổ phiếu (Book value per Share)
Ví dụ: Giá cổ phiếu của Vinamilk là 100.000 đồng, giá trị ghi sổ của cổ phiếu là 20.000 đồng. Chỉ số P/B được tính như sau: P/B = 100.000 / 20.000 = 5
Điều này có nghĩa là doanh nghiệp Vinamilk đã và đang hoạt động rất tốt trong thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư lúc này có thể tin tưởng vào loại cổ phiếu này và sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp 5 lần giá trị ghi trên sổ để mua cổ phiếu của Vinamilk.
Ý nghĩa của chỉ số P/B là gì?
Ý nghĩa cơ bản của chỉ số P/B như chúng tôi đã đề cập chính là thể hiện giá trị của loại cổ phiếu đó đang cao hay thấp hơn so với giá trị ghi sổ. Sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
- P/B > 1: cổ phiếu của doanh nghiệp này đang có triển vọng phát triển ổn định. Nhà đầu tư có thể cân nhắc bỏ ra số tiền cao hơn giá ghi sổ để mua được loại cổ phiếu này.
- P/B < 1: có thể doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ hoặc gặp một số vấn đề khác liên quan đến doanh thu. Có thể sẽ không có khả năng trở mình trong tương lai gần. Điều này sẽ khiến nhà đầu tư phải thận trọng, tốt nhất không nên xuống tiền để tránh thua lỗ không đáng có. Song cũng có một số trường hợp chỉ số P/B thấp nhưng doanh nghiệp lại đang có sự hồi phục trở lại, nhà đầu tư vẫn có thể cân nhắc đầu tư lúc này.
Thực tế, bạn nên tìm hiểu chỉ số P/B tốt để phán đoán khả năng đầu tư. Một số yếu tố nên cân nhắc là: các công ty có mức độ tăng trưởng cao, những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có biến động thị trường ổn định,… Với những người mới tham gia đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp, tốt nhất nên chọn những loại chứng khoán có chỉ số P/B thấp để tránh rủi ro lớn khi đầu tư.
Mong rằng qua bài viết trên đây, bạn đã hiểu chỉ số P/B là gì và có thể áp dụng để cân nhắc lựa chọn thích hợp. Thêm vào đó nhà đầu tư cần thận trọng khi kết hợp các phương pháp phân tích khác để lựa chọn cổ phiếu và đưa ra quyết định cuối cùng.